Một trong những khâu quan trọng trước khi viết nội dung quảng cáo là nghiên cứu thông tin về sản phẩm.
Nhưng đa phần những người viết content quảng cáo thường bỏ qua bước này hoặc chỉ làm qua loa dựa trên bản năng dẫn tới việc nội dung quảng cáo không thuyết phục và không đạt hiệu quả trong việc bán hàng.
Dưới đây sẽ là 16 yếu tố tương ứng với 16 khía cạnh để khai thác thông tin sản phẩm 1 cách toàn diện, giúp bạn có thể có nhiều ý tưởng để lên nội dung cho quảng cáo và viết quảng cáo thuyết phục hơn.
1. GIÁ/CHI PHÍ SỬ DỤNG
– Giá là số tiền khách hàng cần bỏ ra để có được sản phẩm
– Chi phí sử dụng là số tiền khách hàng bỏ ra đặt trong mối quan hệ với lợi ích mà khách hàng thu về.
Ví dụ: Giá 1 sản phẩm là 100K, sử dụng được 5 lần -> chi phí sử dụng cho mỗi lần là 20K/lần sử dụng.
Đôi khi chỉ nói giá thì khách hàng sẽ cảm thấy cao quá, nhưng khi nói về chi phí sử dụng sản phẩm thì khách hàng lại thấy rẻ.
Linh hoạt sử dụng hai khai niệm về giá/chi phí sử dụng sản phẩm sẽ giúp khách hàng dễ dàng hình dung về mức chi phí mình bỏ ra và lợi ích mình có thể nhận được.
2. CƠ CHẾ/CẤU TẠO/THÀNH PHẦN
– Cơ chế hoạt động, cấu tạo/thành phần giúp giải thích và chứng minh tính năng của sản phẩm.
Ví dụ: Một chiếc búa gồm phần đầu búa bằng sắt đặc có hình dạng tày, bề mặt bằng phẳng để khi gõ vào mũ cây đinh có thể tác động lực lực để cây đinh đâm sâu vào tường.
Khai thác sâu vào các yếu tố về cơ chế/cấu tạo/thành phần của sản phẩm là 1 cách để bạn có nhiều hướng triển khai nội dung cho quảng cáo của bạn.
3. TÍNH NĂNG SẢN PHẨM
Đây là thứ mà khách hàng sẽ mua, là thứ giải quyết được nhu cầu của khách hàng.
Ví dụ: Khách hàng có nhu cầu mua cái búa vì cần tính năng của cái búa là có thể đóng được cây đinh vào tường.
4. LỢI ÍCH LÝ TÍNH
Là lợi ích xuất phát trực tiếp từ cơ chế, cấu tạo, thành phần.
Ví dụ: Cây búa với cấu tạo phần đầu búa bằng sắt đặt, cứng và tày giúp giải quyết được nhu cầu là đóng được cây đinh vào tường.
Ngoài ra còn nhiều lợi ích lý tính khác dễ dàng nhận thấy như dùng được rất nhiều lần, đóng được các đồ mộc đơn giản, có thể dùng để tự vệ (phang bọn trộm đột nhập vào nhà, oánh nhau,…)
5. LỢI ÍCH CẢM TÍNH
Là những lợi ích không xuất phát trực tiếp từ cơ chế cấu tạo thành phần, mà xuất phát từ các mối quan hệ và cảm nhận xã hội.
Ví dụ: Có cây búa trong nhà sẽ cảm thấy như thế nào? Giúp trở thành người đàn ông tự tin trong việc giúp vợ làm các việc lặt vặt trong nhà -> vợ tự hào về chồng, gia đình hạnh phúc.
{*) Note: Trong một số trường hợp bạn sẽ cần quan tâm đến khái nhiệm Job-to-be-done để tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa tính năng, lợi ích lý tính, lợi ích cảm tính của sản phẩm.
Trong các ví dụ trên, mặc dù đúng là khách hàng có nhu cầu mua cái búa vì nó có thể đóng đinh vào tường. Nhưng đây ko phải nhu cầu hay lợi ích trực tiếp quyết định đến hành vi mua của khách hàng, mà là họ đang cần mua cái búa gấp về để đóng đinh treo một bức tranh rất đẹp lên tường, nhằm làm đẹp hơn cho phòng khách -> Đây mới là Job-to-be-done của họ.
6. CÁCH SỬ DỤNG SẢN PHẨM
– Sản phẩm có những cách sử dụng nào?
– Liệu có những cách sử dụng nào sáng tạo để mang đến trải nghiệm thú vị hơn cho khách hàng không
Ví dụ: Ngoài việc dùng để đóng đinh thì cây búa có thể sử dụng để đi phang nhau, tự vệ thì cũng khá ngầu nhỉ :))
7. GIẢI THƯỞNG/CHỨNG NHẬN/NGHIÊN CỨU:
– Sản phẩm có những giải thưởng hay chứng nhận gì không? (Giải thưởng thương hiệu quốc gia, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận thành phần 100% thiên nhiên,…
– Đã có kết quả nghiên cứu nào về hiệu quả của sản phẩm trong thực tế chưa?…
8. CHÍNH SÁCH/DỊCH VỤ (HỖ TRỢ, BẢO HÀNH,…)
– Khách hàng khi mua sản phẩm được hưởng những chính sách như thế nào? (hỗ trợ dùng thử 7 ngày, đổi trả hàng miễn phí 30 ngày, bảo hành 6 tháng, 1 năm,…)
– Dịch vụ phụ trợ trong quá trình sử dụng sản phẩm như thế nào?
(Ví dụ như Vinfast trước khi bán xe điện phải xây dựng chuỗi trạm sạc toàn quốc để phục vụ nhu cầu sạc xe của khách hàng)
9. KHUYẾN MẠI
– Tại thời điểm này hoặc sắp tới có chương trình khuyến mại hấp dẫn nào khi mua sản phẩm hay không?
– Khéo léo sử dụng yếu tố khuyến mại cùng các yếu tố khan hiếm, gấp rút là cách để dễ dàng để thúc đẩy hành động mua hàng của khách hàng.
10. XUẤT XỨ
– Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ như thế nào, do ai/nước nào sản xuất? Xuất xứ đó có gì đặc biệt không?
Ví dụ:
– Sản phẩm cơ khí – điện tử nguồn gốc từ Nhật thì nổi tiếng về độ bền & tiết kiệm nhiên liệu.
– Đồ Tàu nhưng là Tàu nội địa của các pháp sư Trung Hoa thì cũng khá là được con dân xứ Đông Lào tin tưởng vì vừa rẻ vừa ngon.
11. ĐỐI TƯỢNG
– Đối tượng sử dụng sản phẩm này là ai?
– Có thể khai thác được gì từ thông tin đối tượng sử dụng sản phẩm này để ra được content bán hàng hiệu quả hay không?
12. THÀNH TỰU/KINH NGHIỆM
– Sản phẩm của các bạn đã làm được những gì?
Ví dụ:
– Sản phẩm này đã giúp 2000 người giảm béo thành công.
– Thương hiệu sữa Vinamilk đã xuất hiện trên thị trường 45 năm từ năm 1976.
13. KOLS/ CHUYÊN GIA
– Sản phẩm này có được KOLs/Chuyên gia nào khuyên dùng hay không?
(Đây là chiêu mà các nhãn thực phẩm chức năng, đông y thường xuyên sử dụng, hay quen thuộc hơn là content kiểu: Nhà tôi 3 đời…., cam kết chữa khỏi 100%)
14. VỊ TRÍ/THỊ PHẦN
– Sản phẩm của bạn có vị trí như thế nào trong nhận thức của khách hàng, có dẫn đầu thị trường không hay dẫn đầu trong một phân khúc nào đó hay không?
15. TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI
– Sản phẩm của bạn có đang giúp cho xã hội giải quyết 1 vấn đề nào đó không? (Ví dụ như bảo vệ môi trường, giảm khí thải CO2, hạn chế rác thải không thể tái chế,…)
16. ĐỘI NGŨ LÃNH ĐẠO
– Đội ngũ lãnh đạo của công ty sản xuất/sở hữu sản phẩm có người nào có chất liệu truyền thông tốt hay không?
Trong nhiều trường hợp có thể sử dụng những chất liệu truyền thông của người lãnh đạo để thêm vào nội dung quảng cáo nhằm gia tăng tính thuyết phục.
Ví dụ: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất Việt Nam và thường xuyên được sử dụng trong các nội dung quảng cáo/truyền thông gần đây của xe Vinfast.
Kết lại, nghiên cứu sản phẩm là một khâu rất quan trọng quyết định đến việc các bạn triển khai quảng cáo/content bán hàng như thế nào. Bởi vậy hãy làm thật kỹ bước này để có thể sản xuất được những nội dung quảng cáo có tính thuyết phục cao nhất.
Ngoài ra còn rất nhiều khâu khác quan trọng không kém khi viết content quảng cáo như: Thấu hiểu khách hàng mục tiêu, Quy trình các bước để viết 1 quảng cáo mà có thời gian mình sẽ viết bài viết khác để chia sẻ.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết và hãy comment bên dưới cho mình biết quan điểm của bạn về chủ đề mình chia sẻ nhé!